Home Tin tức Mặt trăng sẽ “chia tay” Trái đất?

Mặt trăng sẽ “chia tay” Trái đất?

by Nguyễn Thanh Xuân

Mỗi năm, Mặt trăng lại nhích ra xa Trái đất thêm một chút và quá trình này là không thể ngăn cản, rốt cuộc điều gì sẽ xảy ra?

Theo tạp chí The Atlantic, mỗi năm, Mặt trăng lại dịch chuyển, nhích ra xa hơn so với Trái đất một khoảng 3,8cm. Sự thay đổi này là rất nhỏ và gần như không thể nhận thấy bằng mắt thường nhưng nó sẽ diễn ra liên tục và không bao giờ dừng lại. Các lực hấp dẫn là vô hình và không thể lay chuyển sẽ tiếp tục tác động lên Mặt trăng và sau hàng triệu năm, cuối cùng sẽ đến lúc Mặt trăng và Trái đất phải thực sự chia tay nhau.

Trước đây, khoảng 4,5 tỉ năm về trước, khi Mặt trăng vừa mới hình thành đã ở gần Trái đất hơn bao giờ hết. Ước tính khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng lúc đó gần hơn gấp 10 lần so với hiện tại. Và các nhà khoa học cho biết, Mặt trăng lúc này dịch chuyển với tốc độ khoảng 20cm mỗi năm.

Hành tinh Trái đất của chúng ta và Mặt trăng sẽ luôn trong trạng thái dần xa rời nhau. Lực hấp dẫn của các Mặt trăng thường rất yếu, nhưng vẫn có thể tác động lên các hành tinh chủ. Trong trường hợp Trái đất, đây là một hành tinh được bao phủ bởi đại dương, tác động của lực hút từ Mặt trăng thể hiện ở sự thay đổi của thủy triều. Mặt trăng hút các đại dương của chúng ta, nhưng cũng bị các đại dương kéo lại, khiến cho quỹ đạo của Mặt trăng bị tăng tốc. Và “nếu bạn tăng tốc trong khi đang quay quanh Trái đất, bạn đang dễ dàng thoát khỏi Trái đất hơn, vì vậy khoảng cách sẽ ngày càng xa hơn” – theo lý giải từ nhà khoa học hành tinh James O’Donoghue thuộc cơ quan Vũ trụ của Nhật Bản JAXAR.

Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là “sự rút lui của Mặt trăng”. Họ đã tiến hành đo lường sự rút lui này bằng cách chiếu tia laser vào những tấm gương mà các phi hành gia Apollo để lại trên Mặt trăng, sử dụng dữ liệu đó cùng với các nguồn khác để ước tính các dịch chuyển đã diễn ra.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, tốc độ rút lui của Mặt trăng đã thay đổi trong những năm qua, cùng với các đợt tăng đột biến trùng hợp với các sự kiện quan trọng. Chẳng hạn như sau sự kiện loạt thiên thạch lao vào Mặt trăng hoặc các kỷ băng hà biến động trên Trái đất. Sự rút lui của Mặt trăng đã ảnh hưởng nhiều đến Trái đất bên cạnh các tác động về thủy triều.

Các lực hút Mặt trăng ra khỏi chúng ta cũng đang làm chậm tốc độ quay của Trái đất, kéo dài thời gian ban ngày trên Trái đất. Ban đầu, khi Mặt trăng ở gần, Trái đất quay nhanh hơn, một ngày chỉ kéo dài 5 giờ. Sau 4,5 tỉ năm, dưới tác động của Mặt trăng, Trái đất đã quay chậm lại thành 24 giờ. Nhưng với tốc độ rút lui hiện tại, Mặt trăng sẽ mất 1 thế kỷ để tăng thêm 2 mili giây hoặc lâu hơn cho thời lượng một ngày trên Trái đất.

 
 Khi mới hình thành, Mặt trăng ở gần Trái đất hơn bao giờ hết. Ảnh: NASA

Về mặt lý thuyết khoa học, Mặt trăng được cho là sẽ tiếp tục hành trình trôi xa khỏi Trái đất và đến một ngày nào đó, khoảng 600 triệu năm nữa, nó sẽ quay quanh quỹ đạo đủ xa để loài người hoàn toàn mất đi một hiện tượng thiên văn kỳ thú – nhật thực toàn phần. Vì khi đó Mặt trăng ở tại một vị trí không thể chặn được ánh sáng Mặt trời để đổ bóng xuống Trái đất. Nhưng Mặt trăng sẽ vẫn gắn kết với Trái đất – lúc đó là một phiên bản nóng hơn rất nhiều khi các đại dương bắt đầu bốc hơi. Một vài tỉ năm sau, một Mặt trời hết nhiên liệu sẽ trở thành một ngôi sao chết, nhấn chìm toàn bộ Hệ Mặt trời trong một vụ nổ khổng lồ và tất nhiên sẽ khiến cho Mặt trăng và Trái đất biến mất vĩnh viễn.

Nguồn: laodong.vn

0 comment
0

cùng chủ đề

Để lại một bình luận